Tiêu chuẩn quốc gia về nước uống đóng chai TCVN 6096:2010
Tiêu chuẩn quốc gia về nước uống đóng chai có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, việc này góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo lợi ích cho những doanh nghiệp nước uống đóng chai chân chính.
Chai Pet Sài Gòn đã tóm lược một số điều quan trọng của tiêu chuẩn mới nhất TCVN 6096:2010. Mời bạn tham khảo.
1. Phạm vi áp dụng:
Tiêu chuẩn này được áp dụng cho nước đóng chai dùng làm đồ uống và không áp dụng cho các loại nước khoáng thiên nhiên đóng chai.
2. Nước uống đóng chai là gì?
Cũng theo tiêu chuẩn này, “nước uống đóng chai” được định nghĩa là nước uống dùng cho con người, có thể chứa khoáng chất nhưng không chứa đường, chất tạo ngọt và hương liệu khác. Lưu ý, “nước uống đóng chai” không bao gồm nước khoáng thiên nhiên được đóng chai.
“Nước uống đóng chai” bao gồm: Nước được xác định theo nguồn gốc và nước qua xử lý sơ bộ. Trong đó, nước được xác định nguồn gốc gồm:
– Có nguồn gốc xác định và không đấu nối với hệ thống nước công cộng
– Được bảo vệ khỏi sự nhiễm bẩn hoặc tác động bên ngoài đến chất lượng Lý, Hoá và Vi Sinh của nước nguồn
– Điều kiện khai thác đảm bảo độ sạch ban đầu về vi sinh và các chất hoá học như tại nguồn nước
– Vi sinh vật cần phù hợp để sử dụng và hợp vệ sinh khi đóng chai
– Không được xử lý bằng những biện pháp mà pháp luật không cho phép
Ngoài ra, những loại nước đã qua xử lý sơ bộ cũng được xếp vào nhóm nước uống đóng chai. Nước đã qua xử lý thì có thể có nguồn gốc ban đầu từ bất kỳ nguồn nước nào.
3. Tiêu chuẩn các biện pháp được chọn để điều chỉnh các thành phần ban đầu:
– Thực hiện giảm và/hoặc loại bỏ các khí hoà tan và có thể làm thay đổi độ pH
– Bổ sung CO2 hoặc tái hợp CO2 của nguồn nước, có thể làm thay đổi độ pH của nước
– Giảm và/hoặc loại bỏ các thành phần hoá học như: Sắt, Mangan, Cacbonat dư và các hợp chất của lưu huỳnh trong điều kiện nhiệt độ và áp suất thường
– Cân bằng Canxi-Cacbonat
– Sục khí: Không khí, khí Oxy. Có thể sục Ozon, nhưng nồng độ sản phẩm từ quá trình này phải thấp hơn mức dung sai cho phép.
– Tăng và/hoặc giảm nhiệt độ
– Tách hoặc giảm các nguyên tố ban đầu trong nước khi nồng độ những nguyên tố đó vượt mức tối đa hoặc giới hạn của hoạt động phóng xạ đã quy định
Xem thêm: Tiêu chuẩn Iso 9001 về bao bì đóng gói
4. Tiêu chuẩn vệ sinh:
Đây là tiêu chuẩn về việc: Khai thác, vận chuyển, bảo quản, xử lý và đóng gói, theo TCVN 5603 : 2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003). Và tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho nước xác định theo nguồn gốc. Cụ thể như sau:
– Việc phê duyệt ban đầu hoặc kiểm tra nguồn nước theo nguồn gốc phải dựa trên cơ sở khoa học, địa chất, thuỷ văn,…
– Để chứng minh độ an toàn của nguồn nước và hệ thống khai thác cần dựa trên khảo sát tại nguồn nước và cả những vùng lân cận
– Việc kiểm tra ban đầu tập trung vào: Các thành phần cơ bản của nguồn nước, nhiệt độ, lưu lượng, yếu tố hoá học, phóng xạ và vi sinh theo “Hướng dẫn đối với chất lượng nước uống” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phiên bản mới nhất.
– Các loại nước uống đóng chai thông thường được làm bằng nhựa pet. Nước uống đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thì cần sử dụng các loại vỏ chai nhựa pet tốt không chứa các chất BPA hay Antimon.
5. Yêu cầu về ghi nhãn:
Ngoài các tiêu chuẩn trên thì việc ghi nhãn cũng được quy định chặt chẽ như sau:
5.1. Cách ghi tên sản phẩm:
Đơn vị kinh doanh nước uống đóng chai có thể ghi tên sản phẩm theo quy định hiện hành, nhưng cần lưu ý không gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Tuỳ theo phân loại nước mà tên gọi cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
– Cách ghi tên sản phẩm áp dụng cho nước xác định theo nguồn gốc:
Chỉ dùng một tên gọi hoặc tên của các nguồn nước cụ thể được quy định trong phần “Nước xác định nguồn gốc”, ở mục số 2. Trong trường hợp đơn vị có pha trộn nhiều loại nước với nhau thì trên nhãn với có tên của tất cả những nguồn nước đó.
– Đối với nước đã qua xử lý sơ bộ:
Nước đã qua xử lý sơ bộ thì không được đặt tên theo các quy định với nước xác định nguồn gốc. Thay vào đó, nước đã xử lý chỉ dùng một tên gọi thích hợp.
5.2. Cacbonat hoá:
Đây là quy định nói về việc ghi thông tin Cacbonat có trong nước lên nhãn chai. Các thông tin mà doanh nghiệp công bố trên nhãn cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí sau:
– Nhãn chai ghi cụm từ “Chứa Cacbonat tự nhiên” hoặc “Có ga tự nhiên”: Áp dụng khi nước ngầm được xác định nguồn gốc thì hàm lượng Cacbon Dioxit có tại nguồn khai thác và sau khi đóng chai có dung sai ± 20 %
– Nhãn chai ghi cụm từ “Có bổ sung Cacbon Dioxit”: Áp dụng khi nước ngầm được xác định nguồn gốc mà hàm lượng Cacbon Dioxit sau khi đóng chai cao hơn hàm lượng có sẵn tại nguồn từ 20% trở lên.
– Nhãn chai ghi cụm từ “Có Cacbonat” hoặc “Có ga”: Áp dụng với tất cả loại nước mà sau khi đóng chai thì Cacbon Dioxit không hoàn toàn có nguồn gốc từ nguồn nước.
– Nhãn chai ghi cụm từ “Không chứa Cacbonat” hoặc “Không ga”: Áp dụng khi nước sau khi đóng chai không có Cacbon Dioxit.
- Lưu ý: Việc đo đạc hàm lượng Cacbon Dioxit trong nước cần được thực hiện ở các điều kiện nhiệt độ, áp suất bình thường.
5.3. Các yêu cầu khi ghi nhãn bổ sung:
– Các thành phần hoá học có thể công bố trên nhãn chai: Các thành phần hoá học làm nên đặc tính của nước (đối với nước được xác định nguồn gốc) và hàm lượng chất rắn hòa tan tổng số
– Địa danh: Cần công bố chính xác vị trí địa lý nguồn nước khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu
– Nước đã qua xử lý từ hệ thống cấp nước công cộng hoặc tư nhân: Nếu đóng chai mà không qua xử lý, điều chỉnh thành phần thì phải dùng cụm từ “được lấy từ hệ thống cấp nước công cộng hoặc tư nhân” ở vị trí nổi bật trên nhãn chai.
– Các biện pháp xử lý: Nước uống đóng chai cần phải được xử lý theo các phương pháp và quy định hiện hành. Khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thì đơn vị sản xuất cần phải công bố trên nhãn chai.
5.4. Những nội dung cấm ghi trên nhãn chai:
– Công dụng của nước mà có liên quan đến y học
– Những tác dụng có liên quan đến sức khoẻ không đúng sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
– Tên địa danh mà không tạo thành một phần tên thương mại của nước uống đóng chai, trừ khi nó có sự liên quan đến nguồn nước tại nơi mang tên thương mại
– Các hình ảnh hoặc lời công bố mà gây nên sự hiểu lầm hoặc đánh lừa người tiêu dùng về nguồn gốc, bản chất, thành phần và tính chất của nước đóng chai
6. Phương pháp thử:
Tuỳ vào loại mẫu thử mà áp dụng các phương pháp khuyến cáo về phân tích và lấy mẫu tương ứng: Mẫu nước, sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật,…
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6069:2010 đã quy định rất rõ ràng về việc điều chỉnh, xử lý nước, cùng các yêu cầu về ghi nhãn chai. Đối với doanh nghiệp lĩnh vực nước uống đóng chai, hãy luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí này để xây dựng uy tín cho mình. Còn đối với người tiêu dùng, việc hiểu rõ những tiêu chí này, đặc biệt là quy định về ghi nhãn chai sẽ giúp bạn chọn được sản phẩm an toàn cho sức khỏe.